Ngày 11/01/2022 – Quỹ VinFuture công bố lịch trình hoạt động của Tuần lễ Khoa học, nằm trong chuỗi sự kiện lễ trao giải VinFuture lần thứ I, sẽ diễn ra từ ngày 18 – 21/01/2022 tại Hà Nội. Đây là sự kiện tầm cỡ quốc tế, quy tụ các nhà khoa học kiệt xuất thế giới về Việt Nam để cùng chung tay thúc đẩy sứ mệnh phụng sự nhân loại một cách thiết thực và hiệu quả.
Mở đầu là chương trình Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo, diễn ra sáng ngày 18/01/2022. Bên cạnh mục tiêu truyền cảm hứng và cổ vũ niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo, buổi Giao lưu sẽ gợi mở cho các nhà khoa học Việt Nam khả năng tiếp cận những dự án lớn tầm cỡ trên thế giới. Các nhà khoa học thế giới sẽ chia sẻ những trải nghiệm đầy cảm xúc trong câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của chính họ, niềm đam mê khoa học, vinh quang khi ở đỉnh cao cũng như các gian nan vất vả và hy sinh âm thầm của người làm khoa học. Buổi giao lưu được kỳ vọng sẽ kết nối các trải nghiệm và đam mê của trí tuệ thế giới với trí tuệ Việt Nam, truyền cảm hứng cùng chung tay đưa khoa học nhanh chóng từ phòng thí nghiệm đi vào thực tế sản xuất và cuộc sống của con người.
Các nhà khoa học tham gia giao lưu là các nhà khoa học uy tín, có nhiều đóng góp kiệt xuất cho nền khoa học công nghệ trên toàn cầu thuộc Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture:
- Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Giáo sư Sir Richard Henry Friend – Đại học Cambridge, Anh, người đạt Giải Millennium Vật lý năm 2010, cho công trình phát triển điện tử nhựa; một trong những nhà vật lý có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Ông được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ vì “Đóng góp cho khoa học Vật lý” năm 2003.
- Giáo sư Gérard Mourou, Đại học École Polytechnique, Pháp, người đạt Giải Nobel Vật lý năm 2018 cho công trình tạo ra xung laser cường độ cao siêu ngắn, không phá hủy vật liệu khuếch đại. Ông là nhà khoa học tiên phong, có vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực kỹ thuật điện và laser.
- Tiến sĩ Padmanabhan Anandan, Nhà sáng lập AI Matters Advisors LLC và Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Telangana AI Mission (T-AIM). Ông nguyên là Sáng lập và Giám đốc điều hành của Microsoft Research Ấn Độ, Phó Chủ tịch tại Adobe Research với các nghiên cứu chuyên sâu về thị giác máy tính, phân tích chuyển động trực quan, giám sát video và mô hình hóa cảnh 3D.
- Giáo sư Đặng Văn Chí, Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig, Hoa Kỳ. Ông là nhà bác sĩ-nhà nghiên cứu, nhà sinh học ung thư và nhà ung thư-huyết học nổi tiếng; Giải thưởng MERIT của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ; Thành viên của Viện Hàn Lâm Y khoa Quốc gia và Hội đồng Cố vấn Khoa học của Viện Ung thư Quốc gia, Hoa Kỳ.
- Giáo sư Vũ Hà Văn, Giáo sư toán học, Đại học Yale, là một nhà toán học hàng đầu, được vinh danh với Giải thưởng Polya từ Hiệp hội Toán Ứng dụng Hoà Kỳ và Giải thưởng Fulkerson của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ. Trong thời gian gần đây, với vai trò giám đốc khoa học viện nghiên cứu VinBigdata, ông khai triển và dẫn dắt nhiều nghiên cứu ứng dụng hướng tới các sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam, tiêu biểu như công trình giải trình tự 1.000 hệ gen người Việt hay trợ lý ảo Vivi. Ông cũng đồng thời là giám đốc khoa học của Quỹ VinIF, với ảnh hưởng rất tích cực tới việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học Viêt Nam.
- Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ, Đại học California, Santa Barbara; Top 1% nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất về khoa học vật liệu bởi Thomson Reuters/Clarivate Analytics năm 2015-2018; Giải thưởng nghiên cứu cao cấp Alexander von Humboldt.
- Giáo sư Albert P. Pisano, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Jacobs của Đại học California, San Diego (Hoa Kỳ). Ông là nhà đồng sáng chế của trên hơn 20 bằng sáng chế và là đồng tác giả của hơn 300 ấn phẩm lưu trữ trong lĩnh vực hệ thống vi cơ điện tử (MEMS). Ông là thành viên của Hiệp hội Kỹ sư Cơ khí Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ. Năm 2008, ông được Tạp chí Công nghiệp Chẩn đoán và Thiết bị Y tế (MD&DI) vinh danh là một trong 100 Cá nhân Nổi bật.
- Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Giám đốc Sáng lập VinAI. Là chuyên gia về lĩnh vực học máy và trí tuệ nhân tạo, ông sở hữu 10 bằng sáng chế, gần 100 công bố trên các tạp chí CNTT & AI nổi tiếng. Trước khi sáng lập VinAI, ông từng giữ các vị trí quan trọng tại Google DeepMind và Adobe Research, AI Center, SRI International.