InnovaTalk 5/2024: Bệnh béo phì và các liệu pháp điều trị tiên tiến

Vào ngày 22/5, Quỹ VinFuture đã thành công tổ chức hội thảo trực tuyến InnovaTalk đầu tiên trong năm 2024 với chủ đề “Bệnh béo phì và các liệu pháp điều trị tiên tiến”, thu hút gần 180 nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu đến từ 22 quốc gia trên toàn thế giới tham gia.

Viết bởiVinFuture
Đăng ngày
19

Chia sẻ

Chủ trì hội thảo là GS. Alta Schutte (Australia), Thành viên Hội đồng Sơ khảo VinFuture. Diễn giả chính là Giáo sư Jens Juul Holst (Đan Mạch), Chủ nhân Giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho các Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.  Đại diện cộng đồng y học Việt Nam là TS. BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai và Trưởng Phân môn Nội tiết, Bộ môn Nội, Trường Đại học Y Hà Nội.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trao đổi về các ứng dụng mới của chất chủ vận thụ thể peptide-1 giống Glucagon (GLP-1) trong các loại thuốc tiên tiến điều trị bệnh béo phì. Các loại thuốc mới này không chỉ giúp người bệnh đạt được mục tiêu giảm cân nhanh hơn mà còn làm giảm tỷ lệ mắc các tác dụng phụ như buồn nôn và đau dạ dày. Các diễn giả cũng thảo luận về thực trạng phổ biến thuốc và việc điều trị béo phì trên toàn cầu và tại Việt Nam.

Các phương pháp điều trị béo phì dựa trên GLP-1 và triển vọng trong tương lai

Trong bài thuyết trình của mình, GS. Holst giải thích GLP-1 là sản phẩm được tạo thành từ quá trình phân cắt proglucagon tại ruột non. GLP-1 có vai trò kích thích tiết insulin và ức chế tiết glucagon. Insulin và glucagon là 2 hormon có tác dụng đối lập trong quá trình điều hoà đường huyết, trong khi glucagon có tác dụng làm tăng lượng glucose trong máu, thì insulin là hormon có tác dụng làm giảm nồng độ đường huyết.

Từ năm 1994, nhóm nghiên cứu của PGS. Annemarie Hvidberg (Khoa Nội Tiết, Bệnh viện Hvidovre, Copenhagen, Đan Mạch) đã phát hiện ra vai trò của GLP-1 trong điều hoà đường huyết thông qua kích thích tiết isulin và ức chế tiết glucagon. Sau đó năm 1998, nhóm nghiên cứu của TS. Anne Flint (Phòng nghiên cứu Dinh dưỡng con người, Trung tâm nghiên cứu Thực phẩm, Đại học Nông nghiệp và Thú y Hoàng gia, Frederiksberg C, Đan Mạch) đã báo cáo vai trò của GLP-1 trong việc ức chế cơn thèm ăn và làm giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Giáo sư Holst cho biết mặc dù GLP-1 không thâm nhập vào não, nhưng nó có thể tạo ra các phản ứng thông qua các tín hiệu kích thích hệ thần kinh trung ương.

GLP-1 tự nhiên là peptide rất dễ bị phân huỷ bởi enzym DPP-4 và bị thải trừ nhanh chóng qua thận, do đó người ta không thể sử dụng GLP-1 tự nhiên để làm thuốc. Vì vậy, để phát triển các thuốc điều trị, người ta cần phải thay đổi cấu trúc của phân tử để kéo dài thời gian tác dụng của thuốc trong cơ thể.

Các thử nghiệm cho thấy các thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 (GLP-1 RA) mang lại nhiều hiệu quả tích cực như làm giảm nguy cơ gặp các biến cố tim mạch nặng (MACE). Trong thử nghiệm lâm sàng SELECT, thuốc GLP-1 RA Semaglutide làm giảm 20% nguy cơ MACE ở người lớn thừa cân và béo phì và giảm 73% nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2. Semaglutide cũng đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ mắc đột quỵ nguyên phát và làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận ở bệnh nhân đái tháo đường.

Ngoài ra, GS. Holst cũng giới thiệu những bằng chứng về hiệu quả giảm cân của các thuốc GLP-1 RA. Trong đó, nếu Liraglutide chỉ có thể giảm được khoảng 7,8% trọng lượng cơ thể sau 52 tuần thì Semaglutide có hiệu quả giảm trên 16% sau 68 tuần khi sử dụng liều 2,4 mg/tuần.

Một tiến bộ mới được GS. Holst đề cập đến là sự ra đời của Tirzepatide với hiệu quả giảm cân lên đến 25,8% sau 88 tuần.

Mặc dù các thuốc GLP-1 RA được đánh giá là an toàn, tuy nhiên GS. Holst vẫn nhắc nhở một số nguy cơ tiềm ẩn về các tác dụng phụ với tần suất rất thấp. Ngoài ra, ông  cho biết chỉ khoảng 40% bệnh nhân duy trì sử dụng thuốc sau một năm, và nhấn mạnh rằng đối với các bệnh nhân đái tháo đường, béo phì dù điều trị với bất kỳ loại thuốc nào, vẫn cần phải xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh để kiểm soát bệnh ở mức tốt nhất.

Kết thúc bài thuyết trình, GS. Holst khẳng định GLP-1 là một hormon incretin quan trọng trong việc kiểm soát cơn thèm ăn và ảnh hưởng đến lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Các thuốc được phát triển dựa trên GLP-1 đã chứng minh được hiệu quả trong việc bảo vệ tim mạch, thận và thần kinh, và GLP-1 RA được kỳ vọng sẽ làm thay đổi liệu pháp và quá trình điều trị béo phì và đái tháo đường.

Những thách thức và nhu cầu thiết yếu trong điều trị béo phì ở Việt Nam

Tình trạng béo phì đang trở lên ngày càng phổ biến và đáng quan tâm ở Việt Nam. TS. BS. Nguyễn Quang Bảy cho biết béo phì có liên quan đến nhiều bệnh như đái tháo đường, tim mạch và ung thư. Ông nhấn mạnh tình trạng thừa cân béo phì đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế ở Việt Nam.

Cho đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn điều trị để kiểm soát béo phì. TS. BS. Bảy cho biết quá trình điều trị béo phì hiện nay áp dụng chủ yếu 3 phương pháp: (1) Liệu pháp thay đổi lối sống – thường có hiệu quả thấp do mức độ tuân thủ của bệnh nhân kém; (2) Phẫu thuật giảm béo, đây là phương pháp có hiệu quả nhất nhưng chi phí quá đắt đối với nhiều người; (3) Điều trị bằng thuốc – như các thuốc giảm cân bao gồm Orlistat và Liraglutide, tuy nhiên các loại thuốc này đều chưa được bảo hiểm y tế chi trả.

TS.BS. Bảy chỉ ra vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình quản lý và điều trị béo phì ở Việt Nam. Mặc dù đã có hướng dẫn quốc gia về điều trị béo phì nhưng hướng dẫn này chưa được triển khai rộng rãi do thiếu nguồn lực. Hơn nữa, do rào cản tài chính và việc sử dụng thuốc không hiệu quả, một số người ở Việt Nam đã tìm đến các phương pháp điều trị bằng “thuốc cổ truyền” hoặc thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị béo phì, tuy nhiên những phương pháp này đều tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.

Dựa trên phân tích thực trạng và những khó khăn, thách thức hiện nay, TS. BS. Bảy đã đề xuất một số giải pháp như: (1) Thành lập các trung tâm đa ngành để điều trị béo phì; (2) Kiến nghị Bộ Y tế phê duyệt thuốc giảm cân mới có hiệu quả rất cao nhưng hiện tại chưa có ở Việt Nam như Semaglutide và Tirzepatide; (3) Chính phủ nên cung cấp bảo hiểm y tế cho việc điều trị bệnh béo phì; và (4) Thực hiện nhiều chiến dịch Truyền thông nhằm nâng cao lối sống lành mạnh cho người dân.

Tổng kết bài trình bày, TS. BS. Bảy một lần nữa nhấn mạnh xu hướng gia tăng nhanh chóng của bệnh béo phì tại Việt Nam, tuy nhiên việc kiểm soát và điều trị bệnh lý này còn nhiều khó khăn và thách thức. Các thuốc GLP-1 RA mặc dù có hiệu quả giảm cân tốt nhưng giá thành còn cao và khó tiếp cận với phần lớn bệnh nhân ở Việt Nam. Do vậy, cần có các chiến lược và chương trình quản lý và ngăn ngừa béo phì hiệu quả hơn ở Việt Nam.

Chia sẻ

Chủ đề liên quan tới bài viết - Nhấn vào tag bên dưới để khám phá thêm